Mọi người đã nghe nhiều về bảo hiểm xã hội nhưng để hiểu rõ bảo hiểm xã hội là gì thì cần tham khảo qua định nghĩa về BHXH và các thông tin cơ bản sau.
Bảo hiểm xã hội là gì?
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Định nghĩa trên đây được cung cấp tại Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội sẽ giúp mọi người hiểu rõ Bảo hiểm xã hội là gì.
Đa phần mọi người nghĩ việc đóng BHXH là bắt buộc và gượng ép nhưng thực chất những người đóng bảo hiểm sẽ được rất nhiều quyền lợi cụ thể như sau:
- Được hưởng lương hưu và bảo hiểm y tế.
- Được điều chỉnh lương hưu theo quy định của nhà nước theo cơ sở giá sinh hoạt.
- Được trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu: Cụ thể là khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu hàng tháng còn được nhận trợ cấp 1 lần. Mức trợ cấp tính từ năm đóng BHXH thứ 26 (nữ) và năm thứ 31 (nam). Mỗi năm được hưởng 0,5 tháng mức thu nhập bình quân đóng BHXH.
- Chế độ mai táng phí: Đang tham gia BHXH tự nguyện từ đủ 5 năm hoặc đang nhận lương hưu nếu không may bị chết thì người thân được nhận mai táng phí bằng 10 tháng lương tối thiểu.
- Được trợ cấp tuất một lần.
Mọi người đi làm nên yêu cầu doanh nghiệp đóng bảo hiểm cho mình vì đây là quyền lợi của người lao động được hưởng.
Mức đóng bảo hiểm xã hội
1. Mức đóng BHXH hằng tháng bằng 26% mức tiền lương tháng, trong đó người lao động đóng 8%; đơn vị đóng 18%. Tổng mức đóng 26% được chia theo các quỹ thành phần như sau:
- Ốm đau, thai sản: 3%
- Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: 1%
- Hưu trí, tử tuất: 22%
2. Đối tượng người hoạt động không chuyên trách phường, xã mức đóng BHXH hàng tháng vào quỹ hưu, tuất bằng 22% mức lương cơ sở trong đó người lao động đóng 8%; đơn vị đóng 14%.
3. Mức đóng hằng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đối với người lao động đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc; bằng 22% của 02 lần mức lương cơ sở đối với người lao động chưa tham gia BHXH bắt buộc hoặc đã tham gia BHXH bắt buộc nhưng đã hưởng BHXH một lần.
4. Người lao động tham gia BHXH bắt buộc còn thiếu tối đa không quá 06 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc trợ cấp tuất hằng tháng: mức đóng hằng tháng bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của người lao động trước khi nghỉ việc (hoặc chết) vào quỹ hưu trí và tử tuất.